Vốn từ khi răng lợi còn ngon, cho đến giờ khi đang quá độ tiến lên đời móm, hễ thấy món gì lạ mà đẹp là hắn đều phải nhấp nhổm nếm cho bằng được.
Hôm qua hắn vớ được chai nước mắm. Ơ, nước mắm thì có gì lạ, chỉ là cá ướp muối thôi chứ có gì đâu nhỉ?
Hắn thích trước tiên là ở cái chai. Đẹp là tất nhiên rồi. Đẹp theo kiểu hiện đại, không như kiểu hũ sành dân tộc hay chai nhựa rẻ tiền mà tiện. Thích nhất là miệng rót có viên bi như nàng thiếu nữ Chivas 18. Sao phải cầu kỳ thế? Vì chỉ để khi rót không bị ộc ra, rót nhiều phí lắm.
Ấy là nói về chuyện nước sơn. Còn về chuyện gỗ, khi hắn đưa lên miệng miếng gà luộc lướt qua chút xíu nước mắm, thì thật là ngon, ngon đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo!
Hỏi ra mới biết cái thứ "nước mắt của biển" này được làm từ cá cơm than, ủ trong vòng một năm. Chỉ vào dịp Tết, nước mắm mới được rút ra đóng chai. Đặc biệt thứ nước mắm này làm theo lối xưa, khi dân gian còn mông muội, chưa biết đến chất điều vị hay chất bảo quản như bây giờ.
Trước hắn, khi còn sinh thời, giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê đã từng tấm tắc khen. Ông chủ nước mắm và giáo sư được biết nhau, chỉ vì họ cùng đam mê giữ gìn hồn cốt dân tộc.
Lại cả cái tên Xuân Thịnh Mậu với hắn cũng rất lạ lùng. Tra từ điển Hán Việt, Xuân là mùa xuân, mùa của sinh sôi, mùa của sự khởi đầu cho một vòng sinh trưởng; Thịnh là thịnh vượng; còn Mậu là sự tốt tươi; Xuân Thịnh Mậu là tên do nhà thơ - nhà thư pháp Trụ Vũ đặt và đích thân ông viết tặng.
Cũng vì mắt ngó trời xanh
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời
Cũng vì mắt ngó biển khơi
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương
(Thơ Trụ Vũ)
Vậy đó, thưa cả nhà, chuyện nước mắm ngày cuối năm!
ngon đậm vị quê nhà